Những năm gần đây, Generative AI nổi lên như một hiện tượng khiến cả thế giới phải đổ dồn sự chú ý vào nó. Xung quanh chúng ta ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm tạo nên bởi Generative AI. Nếu tận dụng được công cụ này, bạn sẽ hoàn thành các công việc nhanh và hiệu quả hơn trước rất nhiều.
Trong bài viết lần này, hãy cùng MDS tìm hiểu xem Generative AI là gì và xu hướng sử dụng Generative AI trong hiện tại và tương lai nhé!
1. Generative AI là gì?
Generative AI (tạm dịch là AI tạo sinh) là một loại Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều loại dữ liệu, chẳng hạn như hình ảnh, video, âm thanh, văn bản và mô hình 3D. Generative AI thực hiện điều này bằng cách học các mẫu từ dữ liệu có sẵn, sau đó sử dụng kiến thức này để tạo ra các đầu ra mới và duy nhất. Generative AI còn có khả năng bắt chước sự sáng tạo của con người để tạo ra các nội dung phức tạp và thực tế cao, giúp nó trở thành một công cụ có giá trị trong đa dạng ngành nghề.
ChatGPT – một chatbot thu hút sự quan tâm của người dùng trong thời gian gần đây cũng được xem là 1 trong những sản phẩm nổi bật của Generative AI. GPT được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ Internet và có khả năng tạo ra văn bản mới dựa trên ngữ cảnh và thông tin đã học được. Bên cạnh ChatGPT, có nhiều sản phẩm Generative AI khác trên thị trường đảm nhiệm các công việc như lập trình, vẽ tranh, tạo video, phân tích dữ liệu, và nhiều nhiệm vụ khác.
2. Vị thế của Generative AI trong thị trường hiện nay
Sự xuất hiện của Generative AI đã thổi một làn gió mới vào cách vận hành của các doanh nghiệp. Như một “lực lượng mới” của thị trường lao động, Generative AI hoàn toàn có thể thay thế những công việc cơ bản như vẽ tranh, lên kế hoạch, viết content, tổng hợp dữ liệu,… Với sự xuất hiện của AI, thời gian làm việc được rút ngắn hơn rất nhiều, nhưng cũng đồng nghĩa với việc một phần lớn đầu việc – vốn do con người đảm nhiệm – đã mất đi.
Có thể thấy rõ nhất là làn sóng sa thải nhân sự đang diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt là các công ty công nghệ như Google, Meta. Bên cạnh nguyên nhân khủng hoảng kinh tế thì sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng góp phần không nhỏ cho quyết định layoff hàng loạt này. Minh chứng cho thấy sau khi sa thải nhân sự, Microsoft đã đầu tư 10 tỷ đô vào Chat GPT trong khi Google đang phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo riêng.
Tuy nhiên, hiện tại Generative AI mới chỉ thay thế được một phần công việc của con người, các doanh nghiệp vẫn cần những nhân viên giàu kinh nghiệm sử dụng và ra quyết định. Vì vậy, để có được chỗ đứng trong thị trường lao động đầy cạnh tranh như hiện nay, sinh viên cần phải trau dồi và tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn nữa, cũng như thành thạo việc tận dụng Generative AI để tăng hiệu suất làm việc của mình.
3. Generative AI được ứng dụng như thế nào?
Generative AI ngày càng chứng minh sức mạnh và sự đa dạng của nó thông qua nhiều ứng dụng hiện đại. Nhìn chung, Generative AI không chỉ mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo mà còn mang lại những ứng dụng thực tiễn, đổi mới các trải nghiệm của khách hàng và hỗ trợ đưa ra các giải pháp hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội và kinh tế hiện đại. Một số ứng dụng nổi bật của Generative AI phải kể đến như sau:
Trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, Generative AI cho phép người dùng tạo ra các sản phẩm với đa dạng hình thức. Generative AI có thể tạo ra văn bản mới, từ việc viết blog đến sáng tác nội dung độc đáo mà không cần sự can thiệp của con người. Công nghệ này còn có khả năng tạo ra ảnh, video mới và tự động cải thiện chất lượng của chúng. Hay thậm chí, Generative AI còn có thể sáng tác âm nhạc mới hoặc mô phỏng phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng, đưa ra những tác phẩm âm nhạc độc đáo.
Trong phân tích dữ liệu tổng hợp, Generative AI có thể tạo ra dữ liệu mới và đa dạng, giúp bổ sung cho các bộ dữ liệu đào tạo khi dữ liệu thực tế không đủ hoặc chưa phong phú. Điều này có thể cực kỳ hữu ích trong việc đào tạo mô hình AI để xử lý đa dạng các tình huống và biến thể. Các mô hình Generative AI còn có thể giảm chi phí gắn nhãn bằng cách tự động tạo ra dữ liệu đào tạo bổ sung hoặc thông qua việc học cách biểu diễn nội bộ của dữ liệu, tạo điều kiện cho việc đào tạo mô hình AI với lượng dữ liệu ít nhãn hơn mà vẫn đảm bảo độ chính xác và hiệu suất mong muốn.
4. Xu hướng của Generative AI trong tương lai
Với tốc độ phát triển nhanh chóng như hiện nay, Generative AI được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, các tác phẩm do AI tạo ra vẫn còn nhiều thiếu sót dễ nhận biết. Tuy nhiên, trong tương lai, Generative AI không chỉ dừng lại ở việc tạo ảnh, video và âm thanh mô phỏng cơ bản, công nghệ này còn phát triển hơn, cho phép tạo ra những tác phẩm độc đáo, cá nhân hóa và hoàn thiện hơn nữa. Sự kết hợp giữa Generative AI với VR và AR hứa hẹn cho người dùng một trải nghiệm chân thực chưa từng có.
Theo dự đoán, số lượng doanh nghiệp ứng dụng AI vào hoạt động từ mức dưới 5% như hiện nay, sẽ tăng lên hơn 80% vào năm 2026. AI sẽ không còn đơn giản là một công cụ hỗ trợ mà có thể phát triển thành trợ lý cá nhân, có thể xử lý yêu cầu tùy theo ngữ cảnh cụ thể và cá nhân người dùng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực E-commerce, Generative AI có xu hướng được phát triển thành trợ lý mua sắm cá nhân, hỗ trợ gợi ý sản phẩm và tăng trải nghiệm mua sắm dựa trên sở thích cá nhân. Điều này được dự kiến sẽ giúp tăng tỷ lệ mua hàng trực tuyến và cho người dùng trải nghiệm mua hàng vô cùng thoải mái.
Bài viết tham khảo:
Generative AI là gì? Generative AI được ứng dụng như thế nào?