Thời gian gần đây, khi dạo chơi trên các trang mạng xã hội, sẽ không khó để các bạn bắt gặp những bài viết, hình ảnh về đoạn hội thoại với một chiếc AI mới toanh mang tên ChatGPT, chủ đề thì vô cùng đa dạng và có lượt tương tác cực khủng! Vậy, ChatGPT là gì mà khiến cộng đồng mạng sôi sục đến vậy?
AI (Artificial Intelligence) – Trí tuệ Nhân tạo hẳn không còn là một thuật ngữ quá xa lạ với phần đông giới trẻ hiện nay. Không còn phải đợi con người ra lệnh, AI có thể tự động hóa, vận hành giúp máy tính có thể thực hiện các hành vi thông minh như con người: biết tư duy, biết lập luận, biết giao tiếp và đặc biệt là có thể tự học hỏi, cập nhật kiến thức mới để hoàn thiện chính mình! Và ChatGPT chính là một sản phẩm mới, tiên phong và nổi bật nhất hiện nay đại diện cho công nghệ tiên tiến này.
Thế nhưng, trong làn sóng truyền thông đang bàn luận sôi nổi về chiếc AI thông minh bậc nhất, cộng đồng mạng không chỉ trầm trồ về một công nghệ mới mang tính đột phá cho kỷ nguyên tương lai, mà còn có vô vàn những bình luận e ngại về sự “đáng sợ” của công nghệ này. Sự xuất hiện của ChatGPT đã làm dấy lên không ít băn khoăn về nguy cơ Trí tuệ Nhân tạo đủ thông minh để có thể thay thế hoàn toàn công việc của chúng ta!
Nếu ChatGPT có một “bộ não” được huấn luyện và là kết tinh của lượng dữ liệu khổng lồ, và sở hữu khả năng phân tích nhanh nhạy vượt xa con người, thì liệu nó có thể thay thế các nhà khoa học dữ liệu hiện nay hay không? Hãy cùng MDS tìm hiểu xem nhé!
CHATGPT LÀ GÌ?

ChatGPT là một mô hình chatbot, giúp tương tác, trò chuyện với người dùng một cách tự động. Phần mềm được sản xuất bởi công ty OpenAI. Theo nhà phát triển, với định dạng đối thoại trực tiếp với người dùng, mô hình AI tiên tiến này giúp ChatGPT có thể trả lời câu hỏi, thừa nhận lỗi sai, chỉ ra sai sót trong câu nói của người dùng và từ chối các yêu cầu không phù hợp, …
Thực tế, ChatGPT không phải là chatbot đầu tiên được tung ra thị trường. Vậy ChatGPT có gì ưu việt hơn những ứng dụng chatbot trước đây mà lại có thể khuấy động giới truyền thông đến như vậy?
Chatbot cũ chỉ có thể trả lời các câu hỏi được lập trình sẵn, ChatGPT thì linh hoạt hơn nhiều. Các câu trả lời của ChatGPT được đánh giá là khá gần gũi với con người, một số chứa đầy sự bất ngờ và thú vị. Điều làm ChatGPT trở nên nổi bật hơn cả là nó biết tự cập nhật phản hồi về câu trả lời của mình và đưa ra đáp án chiều lòng khách hàng nhất. Tuy nhiên, với các ngôn ngữ khác (ví dụ như Tiếng Việt) vẫn có một số nhận xét là câu trả lời chưa được mượt mà như Anh ngữ.
Đa dạng lĩnh vực là một điểm mạnh có thể sánh ngang với Google của ChatGPT: nó có thể làm văn, viết tiểu luận, sáng tác, làm và chấm điểm bài thi IELTS,… và thậm chí là sửa lỗi lập trình!
Tuy còn một số hạn chế về ngôn ngữ và kiến thức, nhưng ChatGPT vẫn thể hiện rõ tiềm năng phát triển trong tương lai. Cho tới nay, những khả năng mà chiếc AI này có thể làm được cũng đã đủ là khiến cả trăm triệu người dùng kinh ngạc.

MỘT VÀI KHẢ NĂNG ƯU VIỆT CỦA CHATGPT TRONG CÁC THAO TÁC XỬ LÝ DỮ LIỆU
Gợi ý, giải thích code:
Chỉ cần gõ vào yêu cầu, ChatGPT sẽ cung cấp ngay một đoạn code thực hiện yêu cầu đó, còn kèm theo cả lời giải thích cho những dòng code. Nếu bạn còn chỗ nào đó không hiểu thì cũng có thể hỏi lại con AI này nha. Và bạn biết không, bạn có thể yêu cầu ChatGPT viết code sử dụng bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào mà bạn mong muốn luôn đó.
Đối với các lập trình viên, đặc biệt là những người mới, ChatGPT có thể trở thành một trợ thủ đắc lực khi nó còn có những khả năng như: giải thích công dụng của một đoạn code, hỗ trợ hoàn chỉnh code, rút gọn code, phát hiện lỗi sai trong cú pháp…
Bên cạnh đó thì ChatGPT cũng có thể tạo ra những bộ code mẫu (hay code template) mà người dùng có thể chỉnh sửa nội dung và dùng cho những mục đích cá nhân khác nhau.
Thao tác dữ liệu:
Quá trình mà chúng ta thay đổi dữ liệu sao cho phù hợp với các yêu cầu của bài toán được gọi là thao tác dữ liệu. Các thao tác này bao gồm: làm sạch dữ liệu, nối dữ liệu và thay đổi định dạng dữ liệu. ChatGPT có thể làm sạch và tiền xử lý dữ liệu bằng cách loại bỏ đi các điểm trùng lặp, sửa chữa những lỗi sai và chuẩn hóa kiểu dữ liệu. Ví dụ, một nền tảng phân tích dữ liệu có thể tích hợp mô hình đằng sau ChatGPT để làm sạch một khối lượng lớn dữ liệu về thông tin khách hàng nhằm chuẩn bị cho quá trình phân tích sau này. Thật tuyệt vời phải không nào? Điều này sẽ cần thiết khi xây dựng data pipeline phù hợp cho dự án.
Trực quan hóa dữ liệu:
Nếu bạn nghĩ ChatGPT chỉ có thể dừng lại ở việc tạo nên các dòng code mẫu để xây dựng các biểu đồ dựa trên yêu cầu người dùng thì có lẽ bạn đã đánh giá thấp con chatbot này rồi đó. Vì ChatGPT còn có thể:
“Kể chuyện” từ dữ liệu: ChatGPT nếu được thêm vào các công cụ trực quan hóa dữ liệu và nó sẽ đưa ra các insights thu được từ bộ dữ liệu đó. Chẳng hạn, các nền tảng Business Intelligence (BI) có thể sử dụng ChatGPT để tạo ra những báo cáo miêu tả các xu hướng của một tệp dữ liệu.
Tạo văn bản: Ngoài việc có thể vẽ ra thì ChatGPT có có khả năng gắn nhãn cho những điểm dữ liệu, đặt tên và chú thích cho các biểu đồ có trong một dashboard hay bài báo cáo.
Machine Learning:
– Tạo văn bản cho chatbot:
ChatGPT có thể được thêm vào các dịch vụ chatbot để đưa ra những câu trả lời y hệt con người dựa trên yêu cầu của người sử dụng. Lấy một ví dụ để dễ hiểu hơn ha, ChatGPT có thể giúp các dịch vụ chăm sóc khách hàng giải đáp những thắc mắc của khách hàng về dịch vụ hay sản phẩm một cách chính xác nhất.
– Chuyên biệt hóa:
Thông qua huấn luyện với những mẫu data cụ thể cho một loại công việc, ChatGPT có thể trở nên chuyên biệt và hiệu quả hơn trong tác vụ và lĩnh vực mà nó được huấn luyện như phân loại sản phẩm, phân tích cảm xúc của khách hàng dựa trên tin nhắn, hỗ trợ khách hàng,…
SỬ DỤNG CHATGPT THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
Từ mục trên, chúng ta ắt hẳn đã thấy được sự hữu ích của công nghệ này trong cuộc sống hằng ngày của con người, nào là tiết kiệm thời gian và chất xám này, tiếp thu được những kiến thức mới này, và còn cả nâng cao năng suất làm việc nữa chứ. Thay vì phải vắt óc suy nghĩ và dành nhiều thời gian để ngồi viết code, các lập trình viên hay những nhà phân tích dữ liệu ngày nay đã có một trợ thủ đắc lực có thể đề xuất những đoạn code chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, ngay cả OpenAI cũng đã nói rằng, đôi lúc ChatGPT cũng đưa ra những câu trả lời tuy nhìn có vẻ hợp lý nhưng lại sai hoặc (trong thực tế thì lại) vô lý.
Vậy, làm sao để sử dụng ChatGPT một cách hiệu quả và thông minh?
Đầu tiên, hãy tiếp thu có chọn lọc và xem kết quả trả về như là kết quả tham khảo chứ không phải là giải pháp tuyệt đối cho vấn đề. Đối với những câu trả lời mà ChatGPT đưa ra, bạn không nên mù quáng tin và mặc định kết quả đó là đúng mà hãy dựa trên những kiến thức sẵn có của bản thân mà soi xét, phân tích và đánh giá với tư duy phản biện. Có thể hỏi thêm ý kiến từ những chuyên gia, đồng nghiệp hay bạn bè, tự nghiên cứu thêm từ các nguồn khác… để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn về việc nên sử dụng kết quả mà ChatGPT đưa ra như thế nào.
Bên cạnh đó, con người chúng ta cũng không nên quá dựa dẫm vào công nghệ mà quên đi rằng, bất kỳ một kĩ năng hay kiến thức nào không được sử dụng hay trau dồi trong một khoảng thời gian dài đều sẽ dần bị mai một và biến mất đi. Lạm dụng ChatGPT chỉ với mục đích tiện lợi và tiết kiệm công sức có thể dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn đó là mù quáng chấp nhận kết quả trả về của ChatGPT dù nó vẫn có khả năng sai sót hoặc đưa ra kết quả không phù hợp, chưa tối ưu với tình huống thực tế. Vì vậy trước khi nghĩ tới việc sử dụng ChatGPT cho công việc phân tích dữ liệu, việc nên làm đầu tiên và trước nhất là tự trang bị cho bản thân một nền tảng thật vững vàng về chuyên môn kỹ thuật và kiến thức chuyên ngành. Khi có hai điều này, người phân tích mới có thể đánh giá chất lượng, tính đúng sai và liệu kết quả trả về của ChatGPT có phù hợp hay không, có thể tối ưu hóa và điều chỉnh thế nào cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Thay vì lạm dụng hoặc mãi sợ hãi trí tuệ nhân tạo một ngày nào đó sẽ thay thế con người, tại sao chúng ta không chọn cách nâng cao hiểu biết và kỹ năng của bản thân?
—Hết—