Data Analyst – một trong những công việc “khát nhân lực” trong thế giới hiện đại số. Công việc đòi hỏi có những kiến thức chuyên sâu về dữ liệu cũng như kiến thức nền về doanh nghiệp để đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng, từ phát triển sản phẩm mới, thâm nhập thị trường, quản lý ngân sách cho đến chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp. Cơ hội việc làm đa dạng và thu nhập tương đối tốt khiến nhiều ứng viên quan tâm đến công việc này.
Bạn đang quan tâm đến công việc thú vị này?
Bạn có mong muốn trở thành một Data Analyst trong tương lai?
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu 4 website tự học Data Analyst cho người mới bắt đầu tại nhà mà không mất 1 xu nào dưới đây nhé!

KAGGLE
Kaggle là một nền tảng trực tuyến cho cộng đồng Machine Learning (ML) và Khoa học dữ liệu. Đây là nơi cho phép người dùng chia sẻ, tìm kiếm các bộ dữ liệu; tìm hiểu về các ca xây dựng models, tương tác với những nhà khoa học và kỹ sư ML trên toàn thế giới. Bên cạnh đó người dùng còn có cơ hội được tham gia các cuộc thi về khoa học dữ liệu với những giải thưởng giá trị. Khi dùng Kaggle bạn sẽ được trang bị Graphic Processing Unit (GPU) và gần đây có cả Tensor Processing Unit (TPU) giúp cải thiện hiệu suất tổng thể.
Là Data Analyst, sau khi tải một bộ dữ liệu về một lĩnh vực mà bạn thấy hứng thú hay am hiểu, bạn có thể luyện tập kĩ năng sử dụng pandas, spark,… Bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng này như một nơi download những bộ dữ liệu mới nhất về để về tự phân tích, làm EDA (Exploratory data analysis), tự mày mò vẽ ra các dashboard, visualization với đủ các loại charts. Sau đó có thể mời bạn bè của mình xem qua và nhận xét, bình phẩm để từ đó cải thiện những thiếu sót.
Ngoài ra bạn còn có thể truy cập các Notebook- tính năng đáng chú ý nhất của Kaggle và bạn có thể tận dụng được tài nguyên tính toán miễn phí được hỗ trợ (TPUs và GPUs) như được nhắc đến ở trên để huấn luyện mô hình. Tính năng Notebook của Kaggle cũng rất hữu ích khi nó cho bạn thấy cách mà mọi người phân tích, xử lý các bộ dữ liệu khác nhau. Dựa vào đây, bạn có thể học hỏi những kỹ thuật mới, những tư duy về dữ liệu từ người khác bằng cách so sánh cách làm của họ với hướng tiếp cận của bản thân.

MEDIUM.COM
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, con người ta hoàn toàn có thể chọn cho mình hàng ngàn cách để mày mò các kiến thức về công nghệ. Chúng có thể là các nhóm, trang trên mạng xã hội hay các website, blog… Một trong những gợi ý lí tưởng mà bạn nên quan tâm đến chính là Medium.com.
Medium là một nền tảng chia sẻ nội dung được tung ra vào năm 2012 được phát triển từ người đồng sáng lập Twitter khi đó là Evan Williams. Medium là nơi mà các trang tin tức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu khổng lồ, học máy và data analytics dùng chung như nền tảng post bài.
Nội dung các bài viết được sắp xếp theo danh mục phân loại theo chủ đề, vì thế sẽ rất thuận tiện cho người đọc trong việc sàng lọc và tìm kiếm lĩnh vực mà mình muốn tìm hiểu. Nếu yêu thích một bài viết nào đó, các bạn còn có thể tìm hiểu profile của các tác giả khác nhau để đọc thêm những bài viết của tác giả đó.
Những nội dung trên này thông thường bạn phải trả 1 khoản phí nhất định khi truy cập, tuy nhiên, bật mí cho các bạn, nếu sử dụng với chế độ duyệt ẩn danh các bạn có thể xem 1 cách miễn phí. Website được chia sẻ rộng rãi trên thế giới về kiến thức rất phong phú, đa dạng và được các tác giả trình bày chi tiết với những ai muốn học. Chúc bạn có có nhiều trải nghiệm thú vị với Medium.com.

ANALYTICS VIDHYA
Analytics Vidhya là một trong những cộng đồng Khoa học Dữ liệu và Phân tích lớn nhất trên toàn cầu được thành lập vào tháng 4 năm 2013 bởi người Ấn Độ tên Kunal Jain. Với mục tiêu tạo ra một thế hệ mới của khoa học dữ liệu bằng cách phổ biến trí tuệ nhân tạo, học máy và khoa học dữ liệu.
Website này cho phép người dùng học hỏi và nâng cao kỹ năng của mình thông qua các chương trình đào tạo khác nhau, cung cấp cho cung cấp cho bạn nhiều bài hướng dẫn, khái niệm với độ bao phủ rộng qua nhiều lĩnh vực về big data, data engineering, data science và cả data analytics, phân tích các vấn đề xử lý thông tin (bao gồm cả Machine Learning). Bạn cũng có thể hiểu thêm về khoa học dữ liệu thông qua các bài báo, diễn đàn Hỏi & Đáp và lộ trình học tập của nền tảng này .
Không chỉ cung cấp các tài nguyên cần thiết về data, Analytics Vidhya còn giúp các chuyên gia và cả các nghiệp dư trau dồi thêm kỹ năng thực hành của họ bằng cách tạo ra một nền tảng để tham gia Hackathons – một sự kiện về lập trình dành cho những chuyên gia trong lĩnh vực phát triển dữ liệu, phần mềm… Người xem cũng được cập nhật những diễn biến mới nhất trên khắp thế giới phân tích bằng cách sử dụng các bản tin hàng tháng. Hãy khám phá thêm về website này để trở nên tuyệt vời trong vũ trụ phân tích hiện nay nhé!

FREECODECAMP
FreeCodeCamp là một “ thiên đường” với những người đam mê lập trình và code nói chung, là “nền tảng code trực tuyến” miễn phí lớn nhất trong cộng đồng developer nhiều năm qua. freeCodeCamp chính thức ra mắt làng code vào năm 2014, với mục tiêu của họ là “giúp mọi người đều biết viết code” một cách hoàn toàn miễn phí.
Freecodecamp ban đầu hướng vào những bạn lập trình web thuần tuý, nhưng giờ đây vì số thành viên tham gia đông hơn nên freecodecamp đã mở rộng với nhiều nội dung khác nhau. Giờ đây, đã có khóa học miễn phí về phân tích dữ liệu bằng Python (Data analysis with Python) mà các DA tương lai có thể vào học và trải nghiệm ngay cảm giác được phiêu lưu cùng những dòng code và tự mình phân tích dữ liệu nhé.
Để đạt được mục tiêu hỗ trợ bất kỳ ai đến với thế giới của coding, FreeCodeCamp cung cấp các bài giảng theo chương trình học cụ thể, video hướng dẫn, article bài blog và các nhóm cùng học tập trên khắp thế giới.
Có rất nhiều chứng chỉ học tập trên freeCodeCamp với đa dạng các chương trình học tập khác nhau – tình từ thời điểm năm 2014 đã có đến 40,000 “developer” tốt nghiệp từ nền tảng. Và bộ phận không nhỏ đã được recruit vào các công ty “tech khủng” nhất trên thế giới.
—Hết—